Sơ lược ba giáo phái thời kì đầu Tông_phái_Đạo_giáo_Trung_Quốc

Ngũ Đấu Mễ Đạo

Bài chi tiết: Ngũ Đấu Mễ Đạo

Ngũ Đấu Mễ Đạo (五斗米道), cũng gọi Thiên Sư Đạo, là một giáo phái ra đời trong giai đoạn đầu của Đạo giáo, tức cuối đời Đông Hán (25–220), do Trương Lăng (34–156) sáng lập. Từ đời Đông Tấn trở đi Ngũ Đấu Mễ Đạo được gọi là Thiên Sư Đạo, từ đời nhà Nguyên trở đi gọi là Chính Nhất Đạo. Mãi đến đời Trương Thịnh là con trai thứ tư của Trương Lỗ về cư ngụ ở núi Long Hổ Sơn và lấy tên của ngọn núi này làm tên đạo phái nên Thiên Sư Đạo lại được đổi thành Long Hổ Tông cho đến nay.

Ban đầu Ngũ Đấu Mễ Đạo gồm các tín đồ dân dã, nhưng khi giáo phái phát triển, thu hút rất nhiều hào tộc, thế gia, thậm chí quan lại, thí dụ họ Vương và họ Tôn ở Lang Nha, họ Tạ và họ Ân ở quận Trần, họ Khổng ở Cối Kê, họ Chu ở Nghĩa Hưng, họ Hứa họ Đào và họ Cát ở Đan Dương, v.v... Trong khoảng đời Tấn, các sử gia gọi Ngũ Đấu Mễ Đạo là Thiên Sư Đạo. Tuy nhiên có sử gia cho rằng Ngũ Đấu Mễ Đạo là tên gọi dân dã, còn chính nội bộ tín đồ thì tự xưng giáo phái mình là Thiên Sư Đạo hoặc Chính Nhất Đạo.

Từ khi thành lập cho đến nay, Ngũ Đấu Mễ Đạo đã được truyền qua 64 thế hệ các chưởng giáo. Từ khi Trương Lăng lập giáo, giáo phái này đã quy tụ nông dân, phất cờ khởi nghĩa, xung đột với triều đình phong kiến. Sau này, Khấu Khiêm Chi đã tiến hành cải cách Bắc Thiên Sư Đạo, giải trừ sự mâu thuẫn xung đột giữa Đạo giáo với triều đình phong kiến vì nhờ bổ sung luân lý Nho giáo vào giới luật. Lục Tu Tĩnh cũng đã cải cách đáng kể Nam Thiên Sư Đạo.

Thái Bình Đạo

Bài chi tiết: Thái Bình Đạo

Thái Bình Đạo (太平道) cũng là giáo phái thành lập trong giai đoạn đầu của Đạo giáo, xuất hiện từ đời Đông Hán, triều vua Thuận Đế (tại vị 126-144) về sau, như là kết quả tự nhiên của học thuyết Hoàng Lão và thần tiên phương thuật thịnh hành bấy giờ.

Thái Bình Đạo là một trong hai tông phái Đạo giáo chủ yếu đời Đông Hán và có phát khởi từ dân gian, thịnh hành ở phương Đông. Tông phái kia là Ngũ Đấu Mễ Đạo thịnh hành ở phương Tây Nam. Vào cuối đời Đông Hán, bọn ngoại thích và hoạn quan lũng đoạn triều chính, cường hào và địa chủ nắm giữ đất đai, lại thêm bệnh dịch lưu hành, nên nông dân điêu linh thống khổ đến nỗi đã nổi loạn. Nhân dịp này, Trương Giác đã lợi dụng Thái Bình Kinh để lập giáo, tên gọi là Thái Bình Đạo, qua đó quy tụ nông dân để khởi nghĩa gọi là «Hoàng Cân nông dân khởi nghĩa».

Thái Bình Đạo bắt đầu được truyền bá rộng vào năm Kiến Ninh 建寧 (168-172) đời Hán Linh Đế 漢靈帝, và 10 năm sau đó, tín đồ đã tăng lên đến 10 vạn, trải khắp 8 châu. Khoảng năm Quang Hòa 光和 (179-181), Trương Giác tổ chức tín đồ theo biên chế quân đội. Năm Giáp Tý (năm 184), Trương Giác và đệ tử khởi nghĩa chống triều đình, nhưng thất bại. Trương Giác mất sau đó.

Đến năm 188, Thái Bình Đạo đã tan rã. Nhưng nó vẫn còn ảnh hưởng mạnh mẽ các giáo phái về sau. Những quan niệm về thuật số, gậy 9 khúc (cửu tiết trượng 九節杖) mà Trương Giác từng dùng, áo vàng mũ vàng của đạo sĩ, cách dùng phù thủy và bùa chú trị bệnh, v.v... của Thái Bình Đạo đều được các giáo phái về sau kế thừa. Minh Giáo 明教 đời Đườngđời Tống đã tôn Trương Giác làm giáo chủ. Bạch Liên Giáo 白蓮教 đời Thanh khi khởi nghĩa tại Tứ XuyênThiểm Tây đã dùng lại biện pháp tuyên truyền của Trương Giác.

Bạch Gia Đạo

Bài chi tiết: Bạch Gia Đạo

Bạch Gia Đạo (帛家道) là một giáo phái xuất hiện vào thời kỳ ban đầu của Đạo giáo, hoạt động vào đời Ngụy - Tấn (220-420) ở phương bắc và phương nam Trung Quốc (vùng Giang TôChiết Giang). Nguồn gốc của giáo phái này đến nay vẫn chưa rõ. Tương truyền tổ sư của giáo phái này là Bạch Hòa 帛和, và tên giáo phái đặt theo họ của tổ sư.

Bạch Gia Đạo, Thái Bình Đạo (Thiên Sư Đạo), Thượng Thanh Phái có liên quan với nhau về mặt kinh điển. Theo truyền thuyết, Thái Thượng Lão Quân truyền Thái Bình Kinh cho Vu Cát, rồi Vu Cát truyền lại cho Bạch Hòa. Cũng theo truyền thuyết, Kim Khuyết Hậu Thánh Đế Quân 金闕後聖帝君 truyền Tố Thư 素書 (tức Thái Bình Kinh Phục Văn 太平經復文) cho Thanh Đồng Quân 青童君, Thanh Đồng Quân truyền lại cho Vương Phương Bình 王方平 (ở Tây Thành 西城), Vương Phương Bình truyền lại cho Bạch Hòa.

Bạch Gia Đạo thoạt đầu là tín ngưỡng bình dân, cũng gọi là «tục thần đảo» 俗神禱 vì thờ các tục thần và dâng cúng các thứ huyết thực. Đến đời Đông Tấn (317-420), Bạch Gia Đạo phát triển ở Giang Tô và Chiết Giang, không ít tín đồ thuộc giai cấp sĩ tộc thế gia. Từ đời Đông Tấn trở đi, sử sách không ghi chép về Bạch Gia Đạo, nhưng do mối quan hệ giữa giáo phái này với Thượng Thanh PháiThiên Sư Đạo, có lẽ Bạch Gia Đạo đã sáp nhập vào hai giáo phái đó.